Thứ Tư, 6 tháng 1, 2021

ᐯᑌI ᗷᑌồᑎ ᑕᕼᑌYệᑎ đóᑎ đưᗩ

 Anh bạn tôi là chủ một doanh nghiệp có tiếng tăm. Một buổi chiều nọ, anh cười hớn hở, khoe: “Sướng lắm ông ạ… chiều nay được đi đón con”. Số là do tất bật chuyện làm ăn nên vợ chồng anh “khoán” chuyện đưa đón cô con gái rượu cho lính. Là dân “đưa đón chuyên nghiệp” nên tôi hiểu niềm vui của anh. Nhưng quanh chuyện đưa đón cũng lắm niềm vui, nỗi buồn…

1. Khác với thời chúng tôi ngày ngày phải đi bộ đến trường, chẳng ai đón đưa dù mưa hay nắng, bây giờ người ta nói “cha mẹ đi học với con cái” quả không ngoa. Anh chị T., nhà ở quận 1, chỉ có độc một cô con gái đang học lớp 6. Anh chị đi làm còn chuyện đưa đón con đi học đành khoán cho ông xe ôm hàng xóm. Nói là vậy nhưng bụng dạ không yên mỗi khi mưa lớn, kẹt xe hay ngập đường. Vợ chồng bàn tính, rút cuộc “một đứa phải nghỉ để lo cho con”, chị nói. Thế là chị xin nghỉ việc, đưa đón con và lo việc nhà. “Sáng đưa đi, trưa đón về, chiều lại quẳng qua bên học thêm. Rồi còn học đàn, đi bơi… Mấy tháng hè nắng oi ả, đưa đón muốn oải...”, chị tâm sự.

Còn chị H., nhà tận bên quận 7 lại là trường hợp khác. Cơ quan chị ở quận 5, con lại học bên quận 1 nên đưa đón con là chuyện… cực nhiều hơn vui. “Gặp hôm công việc cơ quan chưa xong mà đã đến giờ đón con, tôi cứ như người ngồi trên lửa. Chẳng bù, mấy ngày rảnh rỗi cứ lang thang hết cửa hàng này lại ghé shop nọ, chờ đến giờ con tan học”, chị nói. Chưa hết. Thằng con chị còn học thêm ngoại ngữ ngoài giờ tại một trung tâm ở quận 3.

Theo lời chị, thằng nhóc chỉ thích học ở trung tâm này vì anh họ của nó đã từng học ở đây và đoạt học bổng du học. Thương con, chị đã không ngại đường xa, từ quận 7 sang quận 3, nhiều hôm triều cường phải lội bì bõm để đưa con đến trường và tận 9 giờ tối, hai mẹ con mới về tới nhà.

Minh họa: NG.HOA

Tôi cũng đã từng dự vào “hội đưa đón” tại một trung tâm ngoại ngữ. “Hội” gồm anh K., nhà ở quận 10, về hưu non, bán nhà cho thằng con lớn đi học ở Phần Lan, nay đến thằng út đi luyện IELTS tiếp bước anh. Rồi anh H., nhà ở Thủ Đức, đưa đón cháu; chị C. nhà ở Hóc Môn..., 18g45 các cháu vào lớp là cả “hội” tụ bên quán cà phê đối diện trung tâm để… tám. Người nhà xa không về cũng phải lẽ, người ở gần cũng… ở lại, “vài tiếng đồng hồ, chạy tới chạy lui tốn xăng, thôi ráng ở lại chờ vậy”. Khóa học này, “hội” đã rã, và tôi hiểu các anh, các chị đã làm xong nhiệm vụ của mình.

2. Nhiều gia đình bận làm ăn nên đành chọn phương án “khoán gọn” cho xe ôm, tất nhiên là xe ôm quen, gần nhà. Một anh xe ôm đón một “tiểu thư” học ở Trường Lê Hồng Phong cho biết giá đưa đón là 2 triệu đồng/tháng, sáng đưa chiều đón còn học thêm hay lặt vặt thì… miễn! Còn anh xe ôm trong xóm nhà tôi thì hời hơn, nhận được một mối với giá 3 triệu đồng/tháng, bao trọn gói, học chính khóa, học ngoài giờ và với mối này, anh không phải chạy vãng lai. Với giá cả như trên, thu nhập như đại đa số công nhân viên thì khó lòng đáp ứng. Cũng như nhiều người, tôi đành “chịu khổ hơn chịu lỗ”, hết đưa con gái lớn rồi đón thằng con trai, cực, nhưng mới hiểu hết niềm vui mà mình đang tận hưởng.

Nhờ đưa đón tôi mới biết được nhiều chuyện xảy ra trong lớp của con. Hôm nào con gái ra về vẻ mặt quạo quọ là ắt biết có chuyện xảy ra trong lớp. Con trai ra về, mặt cười cười, chắc rằng hôm ấy kiểm tra được điểm cao. Chặng đường từ nhà đến trường và ngược lại, bố và con nói đủ chuyện. Nào là chuyện kiểm tra bài, chuyện một bạn trong lớp không đủ tiền mua áo mới, chuyện cả lớp quyên góp cho học sinh vùng lũ. Đó còn là dịp để tôi nói với cháu về cách cư xử với một bạn học cùng lớp khi xảy ra mâu thuẫn; vì sao anh nọ chị kia đạt điểm cao trong kỳ thi đại học vừa rồi; đi học thêm có phải là cách để học giỏi…

Cũng nhờ thường xuyên gặp các “hội viên đưa đón” mà tôi mới biết nhiều thông tin về lớp, về chuyện học hành của con, biết thêm nhiều kinh nghiệm trong việc ứng xử, dạy con trong học hành. Con đường từ nhà đến trường xem ra như ngắn lại qua những câu chuyện giữa hai bố con.

Trời nắng hay mưa, kẹt xe hay ngập đường… mà phải đưa đón con, quả là việc không dễ chịu chút nào. Nhưng bình tâm nghĩ lại, thấy con lớn lên từng ngày, tôi cũng như nhiều phụ huynh “xe ôm” khác vẫn cảm nhận được niềm vui từ trong nỗi khổ đưa đón - niềm vui mà anh bạn doanh nghiệp của tôi lâu lâu mới được nhấm nháp, tận hưởng…

CÁT TƯỜNG

0 nhận xét:

Đăng nhận xét