Giờ học, giờ tan trường của trẻ không khớp với giờ làm, giờ tan ca của bố mẹ khiến nhiều gia đình rơi vào tình cảnh loay hoay và bức bách trong việc phân công đưa, đón con.
Phụ huynh quá mệt mỏi với việc phân công đưa đón con. Ảnh: minh họa
Lục đục vì đưa con đi học
Mấy hôm nay, nhà chị Linh hàng xóm, ngay sát vách nhà tôi lúc nào cũng ồn ào. Chồng quát vợ, vợ cãi chồng rồi ông bà nội của bé Bim (con chị) cũng buộc phải vào cuộc. Cả nhà cứ gọi là náo loạn, tranh cãi nhau khiến hàng xóm om hết cả tai. Nhà chung cư sát vách, ấm ức thế nào đến nửa đêm anh đập choang cái điện thoại thế là các nhà bên cạnh cứ gọi là mất ngủ. Sáng hôm sau, cả nhà chị Linh án binh bất động, mãi mới thấy chị Linh ra ngoài đưa con đi học. Mắt chị sưng húp, mặt nặng trịch. Hàng xóm ai nấy khó chịu nhưng vẫn kiềm chế hỏi thăm làm sao lại ra nông nỗi này. Chị chỉ thở ngắn, thở dài.
Chị ngao ngán: “Có mỗi một đứa con học lớp 1 mà nhà cửa đã náo loạn cả lên. Ông bà nội ở cùng nhưng vướng lịch tập tành yoga với chơi cầu lông phường, bố nó thì làm khu chế xuất nên về muộn, còn em thì dễ thở hơn nhưng đợt này cơ quan lắm việc nên rất khó để trốn việc đi đón con. Em có ý kiến nhờ ông bà, chưa kịp hết lời thì ngay lập tức bị ông bà phản bác, rồi đến ông chồng gia trưởng kêu “Có mỗi việc đưa đón con cũng không xong”. Em ấm ức cãi lại nên mới sinh ra chuyện ầm ĩ như đêm hôm qua đấy ạ”.
Hoàn cảnh còn éo le hơn chị Linh là gia đình anh Bách. Dù hai vợ chồng làm việc ở cơ quan Nhà nước, thời gian dễ thở, nhưng ngặt nỗi anh chị phải đưa đón hai con đi học. Trước đây, anh Bách chỉ là nhân viên “quèn” thì không có vấn đề gì, anh chạy đi đón đứa này rồi lại đi đón đứa kia, mọi việc “êm như ru”. Nhưng từ sau Tết, anh được nâng cấp lên làm phó phòng, mọi chuyện lại khác. Thủ trưởng phân công anh họp nhiều hơn, lo giấy tờ sổ sách nhiều hơn, và thêm các khoản báo cáo rồi tiếp khách. Ngoài ra, anh còn phải đến sớm, về muộn để làm gương cho cấp dưới. Từ lúc được thăng cấp, vui đâu không thấy mà anh Bách chỉ thấy gia đình nặng nề hơn. Chị vợ làm xa nhà, xa trường học đến cả chục km nên rất khó khăn trong việc đón con. Thêm vào đó, dù làm Nhà nước, nhưng thời gian của chị cũng eo hẹp do chị nhận thêm việc, thu nhập cũng cao hơn anh nên anh phải chịu phần đón con rồi đi chợ, cơm nước.
“Cả tuần trời tôi băn khoăn chưa biết ứng xử thế nào, tôi còn bị sếp khiển trách mấy lần vì tội cứ chiều chiều là không thấy mặt. Tôi cũng muốn cho đứa lớn đã học cấp II tự lập đi lại vì nhà cách trường không xa, nhưng lại sợ nó là con gái không biết chuyện gì sẽ xảy ra trên đường về nhà. Tình thế căng thẳng như vậy và hai bên ông bà nội ngoại ở xa chưa quen phố xá nên không biết sẽ phải làm thế nào”, anh Bách vò đầu, bứt tai.
Loay hoay tìm giải pháp
Chuyện đưa đón con đi học không phải là chuyện của mỗi gia đình mà đã trở thành câu chuyện chung của xã hội. Trên một số diễn đàn, các phương tiện truyền thông và cả trang cá nhân thì có vô số ý kiến, gợi ý và cả những câu hỏi của nhiều bậc phụ huynh. Vấn đề cần nhất là tìm ra giải pháp hợp lý để ứng xử với việc này.
Nhiều trường học hiện nay có dịch vụ đưa đón trẻ đi học bằng xe ô tô. Tuy nhiên, một phần vì thêm chi phí, một phần vì không yên tâm, mà cũng có khi là do nhà không có ai nên xe đưa trẻ về sẽ không có ai trông chừng, nên không phải gia đình nào cũng áp dụng dịch vụ này. Hiện nay, đã có nhiều công ty chuyên cung cấp các dịch vụ đón đưa trẻ: đón tận nhà, địa điểm tập trung, thậm chí đưa các con về một địa điểm để đợi bố mẹ đến đón sau giờ tan ca. Nếu công ty đó hoạt động hợp pháp, rõ ràng và không bị thả nổi như hiện nay thì các bậc phụ huynh có thể yên tâm. Tuy nhiên, dịch vụ đưa đón này đang bị thả lỏng, chưa được quản lý triệt để, gây mất lòng tin đối với nhiều phụ huynh. Và đối với họ, con cái là “báu vật” nên không yên tâm trao cho dịch vụ đó.
Cũng có gia đình thuê hẳn một người xe ôm hay gia sư, hoặc sinh viên chuyên đưa rước các con thay cho mình và họ coi đó là phương án khả dĩ. Song, thực tế nhiều trường hợp trẻ bị chính những đối tượng đó xâm hại, bắt cóc hoặc mải “chạy sô” mà không có trách nhiệm. Có người tìm giải pháp gửi con tại nhà cô giáo, nhưng khi tận mắt chứng kiến các cô chở 2 - 3 em học sinh không đội mũ bảo hiểm, các em trêu trọc nhau rất nguy hiểm. Phương án này dù an toàn về mặt tinh thần nhưng lại ẩu về mặt giao thông.
Còn theo chuyên gia tâm lý Trịnh Hòa Bình, ngoài việc tìm phương tiện giao thông phù hợp cho trẻ đi lại thì cần dạy cho các em về kỹ năng xã hội. Phụ huynh nên chỉ ra những kỹ năng tự bảo vệ bản thân, cách cảnh giác với người lạ và kỹ năng thích ứng nhanh với các tình huống. Thêm vào đó, gia đình nên cho con em mình học trường đúng tuyến, gần nhà để tiện đưa đón. Bởi nếu gia đình nào có ông bà đưa đón thì việc con học gần nhà là một việc rất hợp lý. Hoặc gia đình tìm hiểu kỹ một người thân quen như hàng xóm về hưu, một bác xe ôm gần nhà, hay cô gia sư để tiện đưa đón bé và tiết kiệm chi phí.
Đỗ Quyên
0 nhận xét:
Đăng nhận xét